Cũng như nhiều ngành nghề khác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Theo giới chuyên gia, việc đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất để “giải cứu” doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch là cần thiết song chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch; xem xét giãn thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên từ 5 tháng thành 1 năm.
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cho rằng, động thái mong muốn gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp bất động sản phần nào phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp đang trải qua khi trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế, từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và những khó khăn pháp lý đang tồn tại.
Trên thực tế, Nghị định mới này của Chính phủ sẽ có tác dụng với những doanh nghiệp bất động sản đã và đang có những dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, song việc gia hạn thời gian nộp thuế sẽ chưa thể mang lại hiệu quả thiết thực cho các dự án đang đợi hoàn thiện giấy tờ pháp lý. Xét theo phương diện khác, đề nghị tăng thời gian gia hạn nộp thuế thêm 1 năm thực tế chỉ giúp giải quyết những vấn đề ngắn hạn do vấn đề thủ tục pháp lý mới là khó khăn lớn nhất thị trường hiện nay.
|
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - ông Sử Ngọc Khương
|
Theo nhận định của ông Khương, những chính sách của Chính phủ rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nên đưa ra các hình thức, biện pháp hợp lý để đánh giá tổng quan, chi tiết những kiến nghị được đề xuất từ phía các doanh nghiệp. Ông Khương cũng mong đợi vấn đề pháp lý, thủ tục của dự án mới cũng được Chính phủ xem xét giải quyết một cách triệt để nhằm kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì và phát triển kinh doanh, nhất là về mặt thuế, giãn và giảm tiền gốc, hỗ trợ cấp tín dụng... đã và đang được rất nhiều Chính phủ trên thế giới thực hiện. Nguyên nhân là bởi, chỉ khi doanh nghiệp hoạt động tốt, bộ máy kinh tế chung của cả đất nước mới có thể vận hành một cách thuận lợi. Riêng tại Việt Nam, có đến 80-90% xương sống của nền kinh tế đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nguồn lực chính đóng góp cho ngân sách nhà nước nên cần nhận được sự sự hỗ trợ lớn và thiết thực về cơ chế, định hướng cũng như chiến lược ngành nghề từ Chính phủ.
Thời gian này đối với các doanh nghiệp bất động sản cũng là một phép thử để đánh giá năng lực quản trị khủng hoảng, năng lực quản trị tài chính, qua đó giúp cân đối tiềm lực doanh nghiệp. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn của nhiều doanh nghiệp hiện nay sẽ là con dao hai lưỡi khi thị trường xảy ra những biến cố lớn, mang đến cho họ những tổn thất tiêu cực về mặt tài chính. Trường hợp không có đủ năng lực tài chính, các doanh nghiệp cần xem xét cắt lỗ để giảm thiểu nguy cơ phá sản.
Ông Khương nhìn nhận, nhu cầu mua sắm bất động sản bị sụt giảm cũng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cụ thể là việc giảm lương nhân viên kéo theo sự sụt giảm chi tiêu trong mọi lĩnh vực. Bởi vậy, các nhà đầu tư cá nhân thời điểm này phải cân nhắc vấn đề về vốn. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, hoàn toàn có thể xem đây là cơ hội để tìm kiếm sản phẩm đầu tư. Song, vẫn cần chú ý đến những kế hoạch dài hơi hơn vì sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sức khỏe của nền kinh tế và của toàn thị trường cũng phải mất một thời gian nhất định mới có thể phục hồi. Đặc biệt, thời gian này, nhà đầu tư cần tính toán bài toán về lợi nhuận, đi kèm với thời gian và kỳ vọng một cách chi tiết và cẩn thận.
Theo quan điểm của Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sức mua trong nước đối với lĩnh vực bất động sản được dự đoán chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn có thể kỳ vọng đại dịch được hoàn toàn kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới vào cuối năm nay, nền kinh tế sẽ trở lại ổn định và dần phát triển với những tín hiệu khả quan đến khoảng đầu hoặc giữa năm 2021.
(ThanhnienViet)