Hiện nay, nhu cầu thuê nhà trọ là rất lớn và khả năng tăng giá trị tài sản của phân khúc này cũng là rất cao cùng mức doanh thu ổn định. Tuy nhiên, nếu như đầu tư không đúng cách và xem xét cẩn thận, chủ nhà dễ có thể đối dện với thua lỗ.
Ông Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, nhìn nhận, xu hướng mua đất kinh doanh phòng trọ trong thời gian trở lại đây dành được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ tiềm năng lớn, tính ổn định cao, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Tổng giám đốc của Phú Vinh đã có những chia sẽ về sự được - mất khi đầu tư vào kênh này.
5 điều mất:
Thứ nhất: Mất nhiều thời gian
Đối tượng thuê phân khúc này sẽ thường dành khoản ngân sách tương đối khiêm tốn, chỉ từ vài trăm nghìn đến khoảng 1-2 triệu đồng/phòng/tháng. Bởi vậy, mô hình đầu tư này sẽ phải thu tiền lẻ hàng tháng. Bên cạnh đó, đối với những khách thuê đóng tiền trệ hạn bạn sẽ còn phải mất thời gian thu tiền thành nhiều lần. Nếu không lựa chọn đúng phân khúc, việc kinh doanh sẽ chẳng khác gì "thả gà ra đuổi", khiến bạn tốn nhiều thời gian để thu tiền về.
Thứ hai: Phải tiếp xúc với khách hàng phức tạp
Đây sẽ là điều bạn không thể tránh khỏi vì những khách thuê trọ không hề giống nhau. Sẽ có người sống lành mạnh nhưng cũng có người thường xuyên cãi lộn, nhậu nhẹt, đánh nhau. Nếu thiếu kinh nghiệm sàng lọc khách thuê ngay từ lúc đầu, bạn sẽ có thể gặp phải những thành phần xấu và nguy hiểm. Một khi khách thuê quá phức tạp, sẽ có thể đe doạ tới việc vận hành phòng trọ bị trục trặc khiến số phòng trống bị tăng lên.
Thứ ba: Mất công quản lý
Bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần để đối diện với cả tá việc vặt không tên như: chống thấm, sửa điện nước, đăng ký tạm trú, chỉ số điện, nước, hay cả việc khách quên chìa khóa... Muốn kiểm soát thật tốt chuỗi phòng trọ cho thuê, sẽ cần kỹ năng giống như một CEO. Từ việc tìm kiếm khách hàng, điều hành nhân viên, quản lý người thuê, thăm hỏi xóm giềng , quán xuyến đối tác cho tới chuyện làm việc với các cơ quan chức năng (tổ dân phố, phòng cháy chữa cháy, công an, liên ngành...)
Thứ tư: Mất tiền bạc
Có thể bạn sẽ thua lỗ hoặc mất nhiều tiền bạc hơn so với kế hoạch dự phòng nếu không tính toán thật sự kỹ lưỡng những khoản thu chi và tiết kiệm chi phí. Nếu phải vay ngân hàng hay huy động vốn, áp lực tài chính bạn phải đối mặt sẽ là rất lớn vì mô hình này chỉ thu tiền lẻ.
Thứ năm: Mất chi phí cơ hội
Thời gian để hoàn vốn với mô hình này sẽ thường kéo dài từ 5-10 năm. Điều này cũng đồng nghĩa rằng dòng vốn của bạn sẽ khó dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Bạn sẽ phải chấp nhận "phóng lao theo lao" thì mới mong bảo toàn được giá trị của toàn bộ suất đầu tư.
|
Dù có nhiều tiềm năng nhưng đầu tư kinh doanh phòng trọ vẩn ẩn chứa không ít rủi ro. Ảnh: H.T |
5 điều được:
Thứ nhất: Nhu cầu lớn luôn có sẵn
Điều này hoàn toàn chính xác với những TP lớn như Hà Nội hay Tp. HCM. Tốc độ đô thị hoá mạnh và tốc độ tăng dân số nhanh chóng mặt 200.000 người/năm, đã tạo nên một lượng nhu cầu vô cùng lớn về nhà ở. Thị trường này trở nên sôi động và đa dạng nhiều phân khúc. Giá thuê của phòng bình dân sẽ từ 800.000-1.500.000 đồng/tháng. Phòng cho thuê trung cấp sẽ có giá từ 2-4 triệu đồng/phòng/tháng và phòng cho thuê cao cấp với đầy đủ tiện nghi sẽ từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Vậy nên, điều cần làm là nhà đầu tư phải nghiên cứu cũng như xác định rõ phân khúc mà mình muốn nhắm đến ngay từ ban đầu.
Thứ hai: Mức doanh thu ổn định hàng tháng
Chẳng hề ảnh hưởng từ sự lên xuống của thị trường địa ốc, nhà đầu tư cho thuê phòng trọ hàng tháng sẽ vẫn thu được dòng tiền đều đặn và ổn định.
Thứ ba: Kênh trú ẩn an toàn
Phòng trọ cho thuê thường được xem như một hình thức đầu tư ít rủi ro bởi có thể chống được lạm phát, tránh mất giá đồng tiền, không những vậy còn có sức đề kháng tốt ngay cả khi thị trường bất động sản gặp phải khó khăn.
Thư tư: Cơ hội gia tăng giá trị BĐS
Bên cạnh dòng tiền thu về hàng tháng từ chuỗi phòng trọ cho thuê, giá trị bất động sản, nhất là đất sẽ tăng lên theo thời gian.
Thứ năm: Được những trải nghiệm thực tế nhất về đầu tư BĐS
Đó sẽ là những trải nghiệm gần như vô giá (như sàng lọc người thuê, nhận định thị trường, xử lý thủ tục pháp lý, quản lý bất động sản,...) mà một nhà đầu tư BĐS cá nhân không thể học từ bất kỳ ai khác ngoài tự mình trải nghiệm. Những trải nghiệm này sẽ mang đến cho họ một góc nhìn sát sao, thực tiễn, vững chắc hơn trước khi tiến hành những thương vụ đầu tư kế tiếp.
(Vnexpress)