Hiện tôi đang có một ngôi nhà trị giá 3 tỷ đồng và muốn bán đi để mua căn khác thì thách thức cũng như cơ hội tại thời điểm này như thế nào? Nguyễn Duy Phương, 30 tuổi, quận 4, Tp. HCM.
Tôi khá lo ngại vì thị trường địa ốc thời gian này đang bắt đầu nóng dần lên, nếu sau khi bán xong, đồng tiền mất giá và giá nhà sẽ tăng lên, tôi sẽ không thể mua được căn nhà khác theo ý muốn.
Về thắc mắc của bạn Duy Phương, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, đã giải đáp, bán nhà này mua nhà khác chính là hình thức hoán đổi tài sản có giá trị để dịch chuyển sang một tài sản khác tốt hơn hoặc tương đương. Song, đây cũng không phải một kênh đầu tư đơn giản và để thành công trong bối cảnh thị trường ấm lên như hiện nay thì người đầu tư cần phải có kinh nghiệm, đầu tư nhiều công sức và thời gian.
Trong tình hình thị trường địa ốc khả quan như hiện nay, với căn nhà giá 3 tỷ đồng đang muốn bán, bạn sẽ có cơ hội bán được với giá tốt. Trong năm 2015, theo khảo sát thực tế, tốc độ tăng giá trung bình và khả thi của BĐS hiện là khoảng 5-8%. Nếu giao dịch thành công, bạn sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 2% so với giá bán.
Thách thức đặt ra ở đây là bạn mua lại một tài sản khác với giá khá cao vào thời điểm này sẽ không hề dễ thương lượng vì áp lực tăng giá hiện đang mạnh dần và có thể dao động nhiều hơn so với lúc bán, tỷ lệ tăng từ 5-10%. Sự khéo léo trong quá trình thương lượng của bạn sẽ là yếu tố quyết định cho việc có mua được nhà giá tốt hay không. Bạn sẽ phải nộp thuế trước bạ 0,5% sau khi mua.
|
Không ít người băn khoăn có nên hoán đổi tài sản bất động sản vào thời điểm này
để tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh: Vũ Lê |
Với thông số đưa ra từ 2 tình huống kể trên, bạn có thể dựa vào để tự đưa ra quyết định xem có nên bán ngôi nhà của mình để tìm ngôi nhà khác tuỳ vào nhu cầu thực tế và khả năng. Nếu bạn vẫn muốn hoán đổi tài sản, thì có thể tham khảo cách mọi người thường làm trong khi rao bán nhà đó là phải song song tìm kiếm nhiều BĐS khác để lên danh sách và đi khảo sát thực địa.
Ngôi nhà mới bạn muốn mua phải có giá bán thấp hơn hoặc tương đương với ngôi nhà cũ, song tiềm năng sẽ phải lớn hơn. Dựa trên cơ sở này, hãy bắt đầu triển khai các bước kiểm tra tính pháp lý của BĐS, khảo sát khu vực, tìm hiểu quy hoạch, định giá, đo đạc quãng đường và thương lượng ngã giá.
Khi đã bán được ngôi nhà hiện tại (mới đang chỉ ở bước nhận cọc), bạn cũng nên gần như tiến hành đồng thời đặt cọc với ngôi nhà dự định mua. Thời điểm này chính là giai đoạn then chốt. Rủi ro trên thị trường BĐS luôn phức tạp, bởi vậy, bạn nên lường trước một vài kịch bản xấu có thể xảy ra.
Một là, sẽ mất rất nhiều công sức cũng như thời gian chào bán nhà cũ, săn lùng nhà mới song chưa có giao dịch nào thành công.
Hai là, những BĐS vừa ý lại bị bán trước khi bạn muốn mua vì chủ nhà huỷ thoả thuận và không muốn bán nữa hay có khách khác ngã giá cao hơn.
Ba là, hiện nay khi thị trường bắt đầu ấm dần lên, bất động sản sẽ bán nhanh và cũng có giá hơn vì thanh khoản tăng. Tuy nhiên, cùng lúc đó giá cả cũng sẽ bị nhiễu loạn và hình thành nhiều mặt bằng giá ảo. Nếu như không nắm chắc thị trường, bạn sẽ dễ bị kéo theo những bẫy giá này, thì sẽ rất khó "đẩy hàng" đi. Đó cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà những người bán BĐS cần phải vượt qua.
Nếu muốn hạn chế những rủi ro này, bạn nên chuẩn bị những bước sau.
Bước thứ nhất, phải xác định được mức giá thấp nhất mà mình muốn bán.
Bước thứ hai, tiến hành tìm kiếm, kiểm tra, trả giá càng nhiều càng tốt những căn nhà định mua và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên của mình.
Bước thứ ba, nhất định phải liên hệ lại xem những ngôi nhà trong danh sách định mua có còn hay đã bán, có tăng giá hay có những yêu cầu thêm từ bên bán hay không trước khi tiến hành nhận cọc bán nhà.
Bước cuối cùng, khi đã nhận cọc bán thì đồng thời phải nhanh chóng đặt cọc mua, trường hợp không mua được tài sản này, phải nhanh chóng chuyển qua tài sản khác theo thứ tự ưu tiên đã đưa ra từ trước.
(Vnexpress)