Trần thạch cao là một trong những sự lựa chọn phổ biến nhất trong xu hướng thiết kế nhà ở hiện đại ngày nay không chỉ bởi tính thẩm mỹ, giá cả hợp lý mà còn vì rất nhiều những ưu điểm khác.
Trần thạch cao được nhiều người ưa chuộng trong thiết kế xây dựng nhà cửa.
Những đặc tính của trần thạch cao
Thạch cao có rất nhiều đặc tính tốt như bề mặt mịn, phẳng, đẹp mắt, độ cứng tốt và dễ trang trí. Trần thạch cao rất dễ ghép nối các tấm lại với nhau giúp tường và trần được phẳng mịn hơn. Nếu so sánh với các loại tường bê tông khác thì tấm thạch cao có phần mịn láng hơn, đem lại cho ngôi nhà dáng vẻ vượt trội hơn hẳn. Khi trang trí hoàn thành, bạn có thể sử dụng sơn xịt, sơn tay hoặc các loại giấy dán tường và gạch trang trí đều được.
Trần thạch cao có nhiều đặc tính tốt như bề mặt mịn, phẳng, mềm dẻo, dễ trang trí.
Với đặc tính hữu cơ mềm dẻo, trần thạch cao sau một thời gian dài sử dụng cũng không bị nứt, đây là lợi thế đáng kể trong việc sử dụng tấm thạch cao cho các công trình xây dựng. Với các trần nhà hoặc tường có độ cong vẫn có thể áp dụng loại vật liệu này, thạch cao có khả năng cách âm, cách nhiệt rất tốt. Không những không hấp thu độ nóng mà tỷ lệ dẫn nhiệt của trần thạch cao thấp hơn nhiều so với các loại vật liệu khác, giúp ngăn cản sức nóng và làm giảm sự 'vất vả' cho máy điều hòa.
Dễ lắp đặt, an toàn và thân thiện với môi trường
Dễ dàng lắp đặt: Các tấm thạch cao khá dễ dàng lắp ráp với khung gỗ, khung thép và có thể dễ dàng ghép với tường bê tông bằng một hợp chất keo dính, lúc cần cũng có thể sửa chữa ngay mà chẳng cần phải tháo toàn bộ tấm xuống thay mới, giúp gia chủ tiết kiệm thời gian lẫn kinh phí.
Không độc hại: Trần thạch cao không có chứa hỗn hợp amiang và chất gây ung thư, an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt, khi gặp hỏa hoạn, thạch cao sẽ không sản sinh ra loại khí độc gây hại môi trường.
Trọng lượng nhẹ: Một tấm thạch cao chỉ nặng khoảng 6.5-9.5kg/m2, nhờ đó vấn đề vận chuyển, lưu kho hay xử lý đều tương đối dễ dàng, không cần phải thay đổi kết cấu.
Trần thạch cao dễ dàng lắp đặt, đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.
Quy cách chung
Phần lớn các tấm thạch cao có 2 kiểu cạnh chính phù hợp với mục đích thi công khác nhau, gồm thi công trần nổi và trần chìm cùng hệ thống tường nội thất. Cụ thể, loại tấm cạnh vuông sẽ thích hợp cho trần nổi, không cần phải qua công đoạn xử lý mối nối giữa 2 tấm thạch cao. Trong khi đó, tấm cạnh vát thích hợp cho loại trần và tường nội thất cần bề mặt phẳng, cần phải trải qua công đoạn xử lý mối nối giữa 2 tấm thạch cao bằng bột thạch cao xử lý mối nối chuyên dụng.
(Báo Xây dựng Online)