Tuy phải bỏ ra cả tỷ đồng tiền xây dựng ngôi nhà mới nhưng chỉ cho thuê được với giá 4,5 triệu/tháng, tôi xót xa khi thấy tầng 1 bị khách thuê biến thành nơi để phế liệu.
Cách đây 30 năm, sau khi lấy nhau, hai vợ chồng tôi được cơ quan phân cho một căn nhà tập thể ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Nhà chỉ rộng 30m2 nên khi hàng xóm có điều kiện mua đất đến nơi khác ở, chúng tôi đã mua lại nhà của họ để cơi nới thêm. Hiện tại, diện tích nhà là 75m2. Đây là nơi ở của chúng tôi, vợ chồng cậu con trai út cùng hai cháu gái nhỏ.
Sau khi sơn sửa lại, bên trong ngôi nhà nhìn khá khang trang. Song, mặt ngoài đã xuống cấp trầm trọng do khu tập thể 5 tầng đã được xây từ hàng chục năm trước và không được duy tu, bảo dưỡng.
Do đó, chúng tôi tính chuyển khỏi căn nhà tập thể. Vài năm trước, vợ chồng tôi đã gom tiền mua một mảnh đất 40m2 ở quận Hoàng Mai. Mặc dù mảnh đất không nằm ở khu trung tâm và nhiều tiện ích như căn nhà hiện tại nhưng tôi nghĩ vẫn thích hơn nhiều khi sống ở nhà riêng độc lập.
Tuy đã cạn kiệt tiền nhưng chúng tôi tính khi xây nhà mới xong sẽ bán nhà cũ đi để trả tiền cho anh em họ hàng. Tôi ước tính căn nhà tập thể 75m2 cũng phải được hơn 2 tỷ đồng.
Mọi thành viên trong gia đình đều háo hức khi tự xây dựng ngôi nhà đầu tiên trong đời. Chúng tôi đi xem hết nhà này tới nhà kia rồi tham khảo trên mạng. Vợ tôi đã nhờ một kiến trúc sư quen biết vẽ giúp và thi thoảng qua xem việc thi công.
Tốn cả tỷ đồng xây nhà mới nhưng không ai chịu về ở
Sau 5 tháng thi công, ngôi nhà 3,5 tầng nội thất cơ bản được hoàn thành với tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng. Nhà có 4 phòng ngủ và một khu thờ trên sân thượng.
Vợ, con trai, con dâu tôi đều rất phấn khởi khi đi xem nhà mới. Chúng tôi rôm rả bàn ngày chuyển khi nhìn thấy lớp sơn mới tinh, ngược hẳn với khu tập thể quét vôi bong tróc đang ở.
Tuy vậy, khi vừa lên tầng 2 để nhận phòng, vợ chồng con trai phàn nàn rằng: "Sao 40m2 mà kiến trúc sư thiết kế kiểu gì bé xíu, kê một cái giường đôi là hết chỗ. Con không ở đây đâu, mở cửa phòng là đập mặt vào tường rồi". Câu nói của con khiến tôi như rụng rời tay chân dù mất cả năm đi vay tiền, xin giấy phép, trông thi công cũng không thấy mệt.
Con tôi đã tự quyết thay cả nhà khi kiến trúc sư hỏi chủ nhà có yêu cầu gì. Cháu muốn nhà phải có 4 phòng ngủ để mỗi người đều có không gian riêng. Mặt khác, phòng ngủ của vợ chồng cháu và vợ chồng tôi phải có khu vệ sinh rộng bên trong. Trong khi đó, nhà chỉ rộng 40m2, trừ khoảng giếng trời nhỏ, cầu thang, mỗi tầng lại có 2 WC nên mỗi phòng ngủ chỉ rộng hơn chục mét vuông.
Dù kiến trúc sư đã góp ý sợ phòng bé nhưng cháu vẫn khăng khăng theo ý mình. Hơn nữa, chúng tôi cũng không hình dung được hết thực tế lúc nhìn bản vẽ trên giấy (không có hình 3D). Với lý do bận công việc cơ quan nên hai cháu đều phó mặc hết cho tôi trông coi thi công xây dựng nhà mới.
Kể từ hôm đó, vợ chồng con trai tôi vẫn chưa trở lại căn nhà mới. Hai cháu bảo, nhà mới không rộng hơn nhà hiện tại, bí bức hơn và phải leo cầu thang liên tục. Đồng thời, việc đi làm, học hành, mua sắm cũng không thuận tiện nên cả gia đình cứ ở căn nhà tập thể hiện nay. Vợ chồng tôi cũng không thể chuyển về nhà mới được bởi thương hai cháu nội còn nhỏ không ai trông nom.
Chính vì thế, ngôi nhà mới xây bỏ không nhiều tháng trời cho tới khi có người quen mách mối cho thuê. Thế nhưng, do nằm trong ngõ nhỏ, nhà cũng chỉ được cho thuê với giá 4,5 triệu/tháng. Giải pháp thu hồi tiền tạm thời và ít ỏi này cũng không được bao lâu. Chúng tôi lại phải vất vả quét dọn, đổ rác mỗi lần khách thuê trả nhà. Tệ hại nhất là có khách thuê để thu gom phế liệu nhưng nhờ người khác thuê hộ. Khi tôi tình cờ đi ngang qua, tầng 1 ngôi nhà đã biến thành nhà kho để đồ đồng nát.
Trước thực trạng này, tôi quyết định rao bán nhà mà không cho thuê nữa. Tuy nhiên, khách nào tới xem cũng chê phòng quá bé, thắc mắc sao tôi xây nhiều phòng ngủ và nhiều WC như thế. Cũng có khách trả giá mua nhưng chỉ nhiều hơn tiền mua đất một chút, thiếu tiền xây nhà lên tới cả tỷ đồng.
Đã 3 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn bỏ trống. Các con không thay đổi ý kiến, gia đình tôi vẫn ở căn hộ tập thể cũ. Cũng may, người thân không tính lãi nên chúng tôi cũng trả được phần nào khi "nhịn ăn, nhịn mặc". Chúng tôi hiện vẫn còn nợ hơn 600 triệu đồng.
Mỗi khi ai đó than vãn cần tiền làm việc gì hay đại gia đình nội ngoại tụ tập ăn uống là tôi lại không dám ngẩng mặt lên, giả bộ như không nghe thấy.
(Vnexpress)