Anh Huỳnh (Tp.HCM) không ngờ đến khi muốn xây thêm tầng, phần tầng cũ đã xây không còn phù hợp để tận dụng.
Dưới đây là chia sẻ của anh Lê Huỳnh, 45 tuổi, hiện sống tại Tp.HCM:
Năm 2013, tôi mua được một miếng đất 81m2 trong một hẻm xe hơi tại quận 9, Tp.HCM. Sau khi mua đất, tôi chỉ còn 250 triệu để xây nhà. Số tiền này chỉ đủ xây nhà cấp 4 trong khi tôi có ước mơ xây nhà cao 4 tầng. Vì thế, tôi quyết định sẽ làm móng chờ sẵn, xây kiên cố 1 tầng và lửng ở trước, dự định sau này có tiền sẽ lên xây thêm.
Miếng đất tôi mua đã có sẵn móng. Chủ đất, vốn là một tay thầu xây dựng, cũng là người quen, bảo nếu tôi chỉ xây 1 tầng và lửng thì không cần làm lại móng. Anh nói móng cũ chắc chắn đủ để xây 2 tầng rưỡi.
Nhưng vì dự kiến sau này xây đến 4 tầng nên tôi vẫn làm lại móng nhà chờ sẵn. Sau đó, tôi cất nhà rộng 72m2, chỉ chừa lại khoảnh nhỏ phía trước nhà để dựng xe máy và xếp ít đồ. Tầng trệt gồm phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh và bếp. Tầng lửng khoảng 30m2 để làm phòng ngủ cho vợ chồng con cái.
Lúc đầu, tôi dự tính xây nhà chỉ hết 350 triệu nhưng quá trình đã phát sinh thêm do tôi muốn mua nguyên vật liệu đắt tiền một chút. Tổng tiền hết 500 triệu, tôi phải vay ngân hàng 250 triệu.
Trước khi xây, ông bán đất đã khuyên tôi nếu ở tạm thì xây không cần kiên cố, giữ nguyên móng, nguyên vật liệu chỉ nên chọn loại bình dân, không cần thiết xây tường 20cm như tôi đã làm, chỉ cần xây tường 10cm thì tổng chi phí chỉ khoảng 250, tối đa là 300 triệu. Gọi là xây tạm nhưng nhà theo gợi ý của ông vẫn có thể ở được đến 15 năm. Sau này có tiền, biết đâu tôi có sở thích khác, thì có thể phá ra xây lại từ đầu.
Lúc đó, tôi nghĩ nhà của mình ở thì cứ làm kiên cố, vì biết bao giờ mới đủ tiền làm nhà mới, dù Tp.HCM chả mấy khi có bão và nền đất chỗ nhà tôi cũng khá chắc chắn.
Không tính toán kỹ nhu cầu thực khi xây nhà, nhiều gia đình phải đập đi
xây lại về sau, gây lãng phí. Ảnh: BI
Tôi không ngờ, mình lại có tiền sửa nhà nhanh hơn dự kiến. Đầu năm nay, bố mẹ quyết định bán nhà ở quê ngoài Bắc, chuyển vào sống cùng vợ chồng tôi. Tiền bán nhà bố mẹ cho vợ chồng tôi trả ngân hàng và xây lại nhà. Vợ chồng tôi cũng mới sinh thêm một bé năm 2015. Công việc không như ý lắm nên tôi đang định về nhà mở tiệm sửa xe.
Vì thế, căn nhà xây từ năm 2013 trở nên không hợp với nhu cầu sử dụng. Nếu xây chồng lên thì ngôi nhà trông rất chắp vá, chưa kể tầng trệt cũng không phù hợp để mở cửa hàng. Tuy nhiên, phá bỏ phần tầng trệt và lửng đã xây kiên cố thì tôi lại tiếc tiền và công sức đã bỏ ra. Tôi vẫn đang băn khoăn chưa biết nên làm thế nào, xây tiếp hay đập đi xây lại từ đầu.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, CEO của Cát Mộc Group cho biết ông từng gặp rất nhiều trường hợp làm nhà phải phân kỳ, đầu tư nhiều giai đoạn vì chi phí không cho phép.
Theo ông việc phân kỳ ra từng giai đoạn ra sao rất quan trọng để mang lại hiệu quả kinh tế cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của mỗi gia đình. Sự phân kỳ đó phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính, mức thu nhập của mỗi gia đình nên không có mẫu số chung. Người thu nhập 30 triệu/tháng sẽ phù hợp với cách phân kỳ đầu tư khác người thu nhập chỉ 10 triệu/tháng.
Kiến trúc sư Truyền khuyên, nếu bạn chắc chắn rằng ngôi nhà xây tạm của mình chỉ trong vòng dưới 3 năm là bạn có thể phá ra xây lên đúng quy mô mong muốn, thì nên làm hệ móng vững chắc, tương thích với quy mô bạn định làm trong tương lai. Trong trường hợp này, để tránh lãng phí, các vách ngăn chia không gian trong nhà nên sử dụng vách ngăn nhẹ, dễ tháo gỡ.
Còn nếu khả năng thu nhập của bạn thấp, dự trù phải trên 5 năm mới có khả năng làm tiếp thì bạn chỉ nên xây tạm nhà cấp 4 để ở, sau này có đủ tiền bỏ nhà cũ, làm lại nhà mới hoàn toàn.
Ông Truyền ước tính, cùng một diện tích đất nhưng làm móng kiên cố cho 4 tầng rồi xây lên ở giai đoạn 1 với quy mô 1 tầng rưỡi thì chi phí sẽ đắt hơn khoảng 30% so với nếu chỉ làm móng phù hợp với 1 trệt 1 lửng. Tuy nhiên, chi phí này còn phụ thuộc vào vùng đất xây nhà. Nếu địa chất nằm trong khu vực đất yếu, phải gia cố nhiều thì chi phí tăng hơn 60%.
(Báo Xây dựng Online)