Chất lượng của dự án, tiến độ công trình chủ yếu do chủ đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm. Và để hạn chế được tối đa những rủi ro không đáng có khi quyết định "xuống tiền", người mua nhà cần nắm rõ được 4 lưu ý sau nếu muốn lựa chọn được chủ đầu tư uy tín.
1. Hiểu rõ những quy định pháp luật về chủ đầu tư dự án
Nắm bắt được những quy định pháp luật về chủ đầu tư dự án thì người mua mới có thể xác định được năng lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án bất động sản hay không. Theo quy định tại Điều 21 Luật nhà ở 2014, điều kiện làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam
- Có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật
- Có vốn pháp định theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và có vốn ký quỹ để thực hiện đối với từng dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư
2. Tìm hiểu năng lực tài chính của chủ đầu tư
Điều kiện về năng lực tài chính của chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP gồm:
- Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên
- Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác
Những dự án được đầu tư bởi chủ đầu tư có tài chính mạnh sẽ ít khi gặp phải tình trạng đóng băng hoặc tạm ngừng thi công do thiếu hụt ngân sách và rơi vào những trường hợp khủng hoảng bất ngờ. Cùng với đó, tiềm lực tài chính của chủ đầu tư cũng là một trong những yếu tố tiên quyết, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của dự án vì nếu nguồn vốn hạn hẹp thì sản phẩm bất động sản sẽ khó có thể đầu tư với chất lượng tốt, tiện nghi đa dạng, phong phú.
Báo cáo tài chính năm gần nhất cũng là một kênh giúp người mua có thể tìm hiểu về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Dù nhà đầu tư là đơn vị soạn lập, tự khai và cũng tự chịu trách nhiệm về tính trung thực nhưng chủ đầu tư khi được yêu cầu vẫn phải đệ trình các văn bản chứng minh.
|
Tài chính năng lực của chủ đầu tư cũng là một trong những khía cạnh cần xem xét kỹ lưỡng trước khi giao dịch. Ảnh minh họa: Internet |
3. Kiểm tra kinh nghiệm hoạt động, uy tín trên thị trường của chủ đầu tư
Uy tín của một chủ đầu tư được thể hiện thông qua chính những dự án đã thực hiện trước đó. Bởi vậy, người mua nên tìm hiểu thông tin một cách kỹ lưỡng về việc có xảy ra tranh chấp, vướng mắc nào trong quá trình hoàn thiện các dự án của CĐT hay không. Sẽ không có mất thời gian và công sức đối với chủ đầu tư lâu năm vì uy tín, tên tuổi của họ sẽ phổ biến và dễ dàng tìm hiểu được qua phương tiện báo chí - truyền thông. Trường hợp chủ đầu tư mới gia nhập thị trường, người mua sẽ cần cẩn trọng hơn, nhờ cậy sự tư vấn từ những người có kinh nghiệm hoặc am hiểu thị trường về việc thực hiện giao dịch.
4. Đánh giá thông tin dự án
Người mua chắc hẳn sẽ an tâm hơn khi tìm hiểu một dự án mà phía chủ đầu tư luôn minh bạch thông tin về quy mô, pháp lý. Bởi vậy, thái độ của chủ đầu tư về những câu hỏi liên quan tới hồ sơ, giấy tờ hoặc những thông tin trái chiều (nếu có) của dự án cũng rất cần thiết để lưu tâm.
Lời khuyên cuối cùng khi muốn có được cái nhìn tổng quan, chân thực nhất, người mua cần đến "thực mục sở thị" dự án mình đang quan tâm để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn. Tại đây, hãy dành thời gian để quan sát tiến độ dự án, hỏi han người dân trong khu vực kế cận để có được những thông tin đầy đủ, khách quan hơn.
(Thanhnienviet)