Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, trong số những người chưa sở hữu nhà và có dự định mua nhà trong vòng 2 năm tới, gần 1/3 thừa nhận họ chưa hình dung ngân sách tổng thể và khoảng 55% chỉ mới ước tính ngân sách sơ bộ.
Theo khảo sát của Tập đoàn HSBC, thế hệ thiên niên kỷ (millennial: những người sinh trong khoảng thời gian từ năm 1981 - 1998) trên toàn cầu, sở hữu một ngôi nhà không hẳn là một giấc mơ ngoài tầm tay.
Thế nhưng, giá nhà gia tăng và tăng trưởng lương chậm lại đang là những rào cản chính khiến họ phải trì hoãn kế hoạch mua nhà. Kết quả khảo sát với sự tham gia của trên 10.000 người ở 10 quốc gia cho biết, trung bình cứ 10 người trẻ thì có gần 4 người (38%) hiện đang có nhà riêng.
Trong khi đó, đối với những người hiện chưa sở hữu nhà, 81% trong số họ có dự định mua nhà trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, tùy theo quốc gia, tỷ lệ này có dao động.
Kết quả khảo sát của Tập đoàn HSBC. (Nguồn: HSBC)
Vậy nhưng, hiện người trẻ vẫn đương đầu với những thử thách đáng kể liên quan đến khả năng mua nhà. Ngoại từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hong Kong, giá nhà tại 8 quốc gia còn lại đều tăng trong năm 2016.
Theo kết quả khảo sát, có 69% trong số những người có ý định mua nhà vẫn chưa tiết kiệm đủ cho khoản thanh toán đầu tiên; 39% cho biết không có khả năng mua được loại nhà mà họ mong muốn.
Trong khi đó, 62% cho biết họ cần lương cao hơn mới có thể mua được nhà. Trừ Malaysia và Trung Quốc, những quốc gia còn lại đều dự kiến mức tăng lương thực tế dưới 2% trong năm 2017.
Đồng thời, khảo sát này cũng cho thấy một bộ phận người trẻ chưa có kế hoạch tài chính tốt cho mục tiêu mua nhà của mình.
Gần 1/3 trong số những người chưa sở hữu nhà và có dự định mua nhà trong vòng 2 năm tới thừa nhận, họ chưa hình dung ngân sách tổng thể và khoảng 55% chỉ mới ước tính ngân sách sơ bộ. 57% người trẻ đã mua nhà trong vòng 2 năm qua chia sẻ, họ đã phải chi trả vượt ngân sách dự tính. 35% cân nhắc mua nhà nhỏ hơn so với kỳ vọng, 56% sẽ cân nhắc cắt giảm chi phí vui chơi giải trí, 20% sẵn sàng hoãn việc sinh con.
Trong kế hoạch tiết kiệm để mua nhà ở cho người trẻ, hỗ trợ từ cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Khoảng 35% những người đã mua nhà cho biết họ đã nhờ đến các bậc phụ huynh.
Nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam hiện nay đang tăng cao do đất nước đang trong giai đoạn dân số “vàng” cùng tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Gần 1/3 dân số (32,8%) đang ở độ tuổi 25-45 và phân nửa trong số đó là thế hệ trẻ.
Trong năm 2016, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt tỷ lệ 35% và ước đạt 40% tính đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc các trung tâm kinh tế như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng sẽ trở thành nhà của khoảng 36 triệu dân trong vòng 4 năm tới.
Mỗi năm, Tp.HCM có trên 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, kéo theo nhu cầu cao về nhà ở, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho hay.
Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam, ông Sabbir Ahmed đã vạch ra 4 bước lập kế hoạch tài chính để người trẻ có thể đạt được giấc mơ sở hữu nhà ở.
Thứ nhất, lên kế hoạch từ sớm và đừng xem nhẹ khoản thanh toán đầu tiên. Kinh nghiệm cho thấy, càng sớm lên kế hoạch, giấc mơ mua nhà của bạn càng sớm thành hiện thực. Lưu ý là, kế hoạch này phải bao gồm việc tiết kiệm cho khoản thanh toán đầu tiên khi mua nhà. Người trẻ nên tìm hiểu gói sản phẩm cho vay mua nhà cạnh tranh giúp mình có thể thanh toán phần chi phí còn lại.
Thứ hai, lập ngân sách cao hơn giá ngôi nhà cần mua. Bàn cần phải tính toán đến những chi phí để biến ngôi nhà bạn mua trở thành nơi bạn muốn sống, đảm bảo rằng bạn không bỏ sót những chi phí này trong kế hoạch tài chính của mình.
Thứ ba, cân nhắc xem có thể hy sinh những gì cho giấc mơ mua nhà của mình. Theo đó, bạn nên xem xét cắt giảm chi tiêu mỗi ngày. Suy nghĩ linh hoạt về cách làm sao có thể giúp bạn mua được một ngôi nhà, chẳng hạn như mua chung với một người thân hay bạn bè.
Thứ tư, có cái nhìn bao quát về tình trạng tài chính của bản thân. Bạn nên nghĩ rằng, vay mua nhà là một phần của kế hoạch tài chính dài hạn chứ không phải là giao dịch một lần. Thực tế cho thấy, mỗi khoản vay mua nhà khác nhau sẽ phù hợp với tình hình và nhu cầu tài chính khác nhau. Chính vì thế, hãy tìm lời khuyên từ chuyên gia tài chính để chắc rằng bạn có sự lựa chọn đúng đắn.
(Nhịp sống kinh doanh)