Hiện nay, khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn thì hình thức góp vốn mua nhà đã không còn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn mà thay vào đó là những sản phẩm mắt thấy hữu hình.
Theo các chuyên gia bất động sản, mua bán nhà theo hình thức góp vốn nếu được quản lý chặt chẽ ở một môi trường phát triển ổn định và minh bạch thì cả người mua và người bán đều có lợi.
Cái lợi đối với chủ đầu tư là huy động được nguồn vốn của khách hàng để hoàn thiện dần dự án theo tiến độ, giảm chi phí lãi vay ngân hàng. Theo đó, phía khách hàng cũng được giảm tải phần nào giá thành và có thể kéo dài thời gian gom đủ nguồn tài chính để mua nhà.
Thế nhưng, thị trường bất động sản hai năm qua phản ánh một thực trạng khá tồi. Hàng loạt dự án bị kiện cáo do chậm tiến độ, thậm chí chủ đầu tư ôm tiền biến mất. Người mua nhà khóc dở mếu dở. Nguyên cớ đó xuất phát từ cái hợp đồng góp vốn và hợp đồng mua nhà trên giấy.
|
Người mua nhà nên cảnh giác với hợp đồng góp vốn |
Thị trường bất động sản cũng chứng kiến nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng cũng từ những dạng mua bán trên. Nhiều khách hàng may mắn không bị chủ đầu tư ôm tiền mất hút thì bị chậm tiến độ bàn giao nhà, "ăn bớt" diện tích, giá dịch vụ cao....
Với những tranh chấp nổi lên thời gian qua, chủ đầu tư đã đánh mất niềm tin đối với khách hàng. Khảo sát tại các sàn giao dịch gần đây cho thấy, người mua nhà tỏ ra khá thờ ơ với những sản phẩm chỉ nằm trên giấy, mặc dù giá chào bán ưu đãi.
Sản phẩm được quan tâm thường là căn hộ sắp hoàn thành, tiến độ dự án ổn định, cơ sở hạ tầng tốt và chủ đầu tư uy tín. Các sàn giao dịch cũng cho rằng không muốn nhận bán những dự án chưa có cơ sở gì vì gần như không có khách hàng hỏi mua.
Bà Nguyễn Hoài An, Quản lý cấp cao của Công ty Tư vấn BĐS CBRE Việt Nam cho biết, trước kia chủ đầu tư dự án chủ yếu huy động vốn cho dự án từ khách hàng. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản khó khăn, việc huy động vốn khách hàng từ các hợp đồng góp vốn khó khăn hơn. Do đó, chủ đầu tư chủ yếu vay vốn từ ngân hàng và nguồn vốn tự có. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp BĐS ngày càng "đói" vốn.
(NĐH)