Kinh nghiệm mua bán BĐS

Lời khuyên để tránh "tiền mất tật mang" khi mua nhà trên giấy

30/01/2018 - 05:27

Hiện nay có rất nhiều dự án bị chậm tiến độ bàn giao nhà, kể cả những dự án có và không có sự bảo lãnh của ngân hàng. Người mua khi đó cũng không được bồi hoàn thiệt hại. Vậy chúng tôi phải làm gì để không gặp rủi ro khi mua nhà hình thành trong tương lai?

Trần Hồng Linh (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội)

Lời khuyên dành cho bạn Hồng Linh như sau:

Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, từ ngày 1/7/2015, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở trên giấy, chủ đầu tư dự án BĐS phải có sự bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của ngân hàng thương mại có đủ năng lực. Theo đó, nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng theo tiến độ cam kết và người mua có nhu cầu lấy lại tiền thì ngân hàng nhận bảo lãnh cho dự án đó sẽ có trách nhiệm hoàn lại tiền cho người mua nhà.

nhà hình thành trong tương lai
Người mua cần tìm hiểu kỹ để tránh gặp rủi ro
khi mua nhà hình thành trong tương lai. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trên thực tế, cả những dự án BĐS hình thành trong tương lai được hay không được ngân hàng bảo lãnh đều có tình trạng bàn giao nhà chậm tiến độ. Do đó, để tránh rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Trần Ngọc Quang cho rằng, trước khi mua, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ về pháp lý và kiểm tra xem dự án đã được ngân hàng bảo lãnh hay chưa.

Khi soạn hợp đồng, khách hàng cũng cần yêu cầu phải nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư như sau: "Chủ đầu tư phải cam kết nghĩa vụ tài chính của mình trong hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai về việc hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho bên mua khi đến thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua".

Cùng với đó, quy định xử phạt hay cơ quan giám sát cũng cần được nêu rõ ràng trong trường hợp các bên không thực hiện nghĩa vụ này. Thay vì nộp tiền cho chủ đầu tư như trước đây, người mua nhà có thể đóng tiền cho ngân hàng để ngân hàng giải ngân theo tiến độ thi công. Cách làm này giúp dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, không làm tăng chi phí hoàn thành sản phẩm BĐS, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.

(Kinh tế & Đô thị Online)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm