Kinh nghiệm mua bán BĐS

Làm nhà to đẹp nhưng con dâu không ở

30/11/2017 - 04:41

Ông Lê Văn Trung (quận Ba Đình, Hà Nội) đã quyết định xây nhà to để cho cả gia đình hai con trai sống cùng. Tuy nhiên, thiện ý của ông bị con dâu từ chối với lý do muốn độc lập. Do không cân nhắc kỹ lương nên ông đã dành hơn nửa số tiền dành dụm cả đời vào nh

Dưới đây là chia sẻ của ông Lê Văn Trung.

Tôi từng làm trong ban điều hành một công ty tư nhân ở Hà Nội. Do mệt mỏi với công việc, đến năm 2012, tôi quyết định nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình để nghỉ hưu ở tuổi 58.

Số tiền bán cổ phiếu và cả tiền tiết kiệm, tôi để dành được tầm 2 tỷ đồng. Thời điểm đó, bạn bè mới tôi góp vốn vào một dự án có tiềm năng lớn với số tiền hơn một tỷ. Tuy nhiên, vợ tôi lại khuyên, tiền góp đầu tư có thể sinh lời lớn nhưng cũng có khả năng mất trắng. Bà ấy muốn dành tiền để đập đi xây mới ngôi nhà 2,5 tầng đang ở đã quá cũ.

Vợ chồng tôi có hai người con trai, lúc ấy đều đã tốt nghiệp đại học, vừa đi làm và có người yêu. Vợ tôi dự tính xây nhà 4 tầng để có thể ở chung với các con sau khi lập gia đình.

Nhiều hàng xóm cũng khuyên chúng tôi cân nhắc kế hoạch này vì thường các cô con dâu sẽ không chịu ở chung với gia đình chồng. Nhưng vợ tôi vẫn rất tự tin vì cả hai con trai của chúng tôi đều rất ngoan, nghe lời mẹ.

Kinh nghiệm xây nhà
Trước khi xây nhà hãy cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng 

Đồng thời, mảnh đất của gia đình khá rộng (80m2) lại ngay gần hồ Tây nên thuận tiện đủ bề. Cạnh nhà tôi có đủ siêu thị, chợ, trường mẫu giáo, tiểu học, cấp hai... Vợ tôi còn bảo: "Vợ chồng mình ở chung, tình nguyện giúp đỡ như người làm không công thì các con còn mong muốn gì nữa? Thời buổi này, đi tìm giúp việc tử tế khó lắm. Ít nhất, các con sẽ ở với mình tới khi cháu học cấp 2, cũng phải mười mấy năm rồi".

Khi thấy vợ mình phân tích cũng đúng nên tôi không mạo hiểm đầu tư vào phi vụ làm ăn nữa. Vợ chồng tôi thuê một công ty thiết kế và thi công ngôi nhà 4 tầng. Tầng một là không gian sinh hoạt chung với phòng khách và bếp. Ba tầng trên là các căn khép kín với phòng ngủ, WC, một bếp ăn nhỏ. Hai con trai đều rất thích nhà mới vì không còn phải chung phòng. Mỗi con có một không gian riêng rộng thoải mái.

Vợ tôi tính toán, nếu gia đình ăn chung thì sinh hoạt dưới tầng một. Còn nếu không, nhà mỗi con có thể tự nấu nướng theo khẩu vị, thời gian trên phòng mình. Bà ấy còn tính có thể cắm cơm, chuẩn bị một vài món khô dự trữ cho các con.

Nhà xây được hơn một năm, con trai cả dẫn bạn gái về và thông báo sẽ kết hôn vào đầu năm sau. Vợ tôi vui mừng vì mong con sớm lập gia thất, ổn định và bà có cháu bế. Ít bữa sau, gia đình thông gia ở dưới quê lên Hà Nội để thăm chúng tôi và cũng để bàn chuyện cưới hỏi.

Vợ tôi hào hứng dẫn bố mẹ của con dâu tương lai đi khắp các tầng, khoe nơi ở tương lai của cháu. Thế nhưng, niềm vui của bà ấy nhanh chóng bị dập tắt khi bên thông gia nói, con gái họ mong muốn ở riêng luôn sau khi lấy chồng. Lý do cháu đưa ra là muốn tự chủ, không dựa dẫm vào bố mẹ.

Trước ngày cưới, con trai và con dâu tôi tất tả đi tìm thuê nhà. Vợ tôi không biết nói sao đành ra điều kiện, các con ở riêng nhưng phải ở gần bố mẹ. Quanh khu nhà tôi không có chung cư mới giá thuê vừa phải nên các con thuê một căn tập thể khá cũ cách nhà bố mẹ khoảng 2 km.

Khi cậu cả có con đầu lòng, vợ tôi khấp khởi hy vọng các cháu sẽ chuyển về ở cùng để có người đỡ đần. Nhưng con dâu vẫn không chịu. Thời buổi "con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó" nên hàng ngày, vợ tôi sáng đi tối về, để đỡ đần việc trông cháu.

Đôi khi, tôi cũng bàn với vợ hai giải pháp: Cho thuê bớt tầng trên hoặc bán nhà đổi sang chung cư, cho các con ít tiền mua nơi ở mới. Nhưng bà ấy phản đối cả hai vì nếu cho thuê nhà, sợ không an toàn và họ sẽ làm bày bừa phòng.

Còn việc đổi sang chung cư cũng không khiến bà ấy ưng vì bà thích ở trung tâm, gần hồ Tây để tiện giao lưu với bạn hưu, đi dạo ở công viên gần nhà. Trong khi đó, nếu muốn mua chung cư chất lượng tốt, chúng tôi không thể ở khu vực hiện tại nữa.

Giờ cháu đích tôn của chúng tôi được 2 tuổi cũng là đằng đẵng 2 năm vợ tôi phải đi xe ôm qua nhà con trông cháu. Nhà các cháu thuê ở tầng 5 mà chân bà ấy bị đau nên việc leo lên xuống cũng mệt mỏi. Nhiều hôm về nhà, bà ấy lại than thở nên tôi cằn nhằn kêu bà để các con tự lo. Thế rồi, sáng hôm sau, bà lại dậy sớm để sang với cháu.

Bà ấy bảo, bà cố giúp cho con cháu vừa đỡ phải chịu cảnh vắng vẻ, cô quạnh trong ngôi nhà quá rộng. Từ ngày nghỉ hưu, tôi năng tham gia các hoạt động của tổ dân phố hơn. Còn cậu con trai út của tôi đang ôn luyện để chuẩn bị đi du học thạc sĩ nên cũng ít khi trò chuyện với mẹ. Tôi thấy lo lắng khi con út đi nước ngoài, vợ chồng tôi còn buồn tới thế nào.

Là người từng tham gia thiết kế nơi ở cho các gia đình ở phố, KTS Nguyễn Hải cho biết, có những ngôi nhà 3 - 4 tầng hiện chỉ có hai vợ chồng sinh sống. Con cái sẵn sàng đi thuê để ở độc lập, thoải mái hơn.

Với thu nhập của người Việt Nam, việc xây nhà sẽ tốn một khoản kinh phí đáng kể. Nhiều người dồn hết cả tiền tiết kiệm cả đời để làm nhà.

Vì vậy, khi lên kế hoạch xây sửa nơi ở, cả nhà cần bàn bạc kỹ, dự trù kế hoạch dài hạn. Nếu con sắp tới tuổi kết hôn, bố mẹ có thể chờ để tham khảo ý kiến con dâu, con rể. Bố mẹ chỉ nên xây nhà ở quy mô vừa phải nếu các con không nói rõ ở cùng hay không.

Đối với người lớn tuổi cần quan tâm tới nhu cầu của mình đầu tiên như làm nhà ít tầng, cầu thang thoải, có thể lắp đèn cảm ứng, đèn sưởi trong nhà tắm... Nhà nên có diện tích sân vườn rộng rãi, thoáng đãng, nhiều ánh sáng tự nhiên. Để đảm bảo an toàn, gia đình có thể lắp thêm camera theo dõi, thiết bị báo động.

 

(Vnexpress)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm