Kinh nghiệm mua bán BĐS

Hơn nửa thập kỷ ngủ sàn vì liều mua nhà tiền tỷ

11/09/2019 - 01:36

Vì liều mua nhà tiền tỷ ở Hà Nội khi cả gia sản chỉ có vỏn vẹn 160 triệu đồng nên vợ chồng tôi phải ngủ dưới sàn nhà suốt 6 năm trời với một khoản nợ lớn chưa từng có.

Liều mua nhà tiền tỷ khi chỉ có 160 triệu

6 năm trước, tôi 23 tuổi, lập gia đình sau nửa năm đi tốt nghiệp đại học và đi làm. Sau khi cưới vợ, chúng tôi đã quyết định mua một căn nhà ở Hà Nội vì nghĩ có chỗ an cư để yên tâm lập nghiệp.

Vào thời điểm quyết định mua nhà, khoản tài chính của vợ chồng tôi chỉ là 50 triệu đồng tiền mặt tích cóp cùng 2,5 cây vàng là của hồi môn mà bố mẹ và người thân trao tặng khi cưới. Do đó, khi nghe đến việc mua nhà của chúng tôi, ai cũng can ngăn, thậm chí còn bị mắng là điên, dở hơi, đua đòi...

Ở trong những căn phòng trọ chật chội, bí bách, mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì ẩm thấp, những ngày mua to thì dột khắp nơi nên vợ chồng tôi chỉ ao ước có được một ngôi nhà của riêng mình, dù nhỏ thôi cũng được. Đến khi cả hai vợ chồng có công việc ổn định, chúng tôi liền lên kế hoạch thực hiện niềm mơ ước của mình.

Cơ quan của hai vợ chồng tôi đều nằm ở khu vực Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, chúng tôi thực hiện khảo sát giá nhà, đất và chung cư trong vòng bán kính không quá 10km so với nơi làm việc. Kết quả thu về là có rất nhiều nhà đất có giá dưới 1 tỷ nhưng lại có điểm hạn chế là không có sổ đỏ. Còn chung cư thì có căn 60m2, nằm ở trên tầng cao nhất của tòa nhà, không nội thất, giá 1,150 tỷ đồng. Nếu chọn mua chung cư, chúng tôi có thể về ở ngay vì nhà mới bàn giao.

 trả nợ mua nhà
Vì dồn tiền trả nợ mua nhà nên gia đình chị Phương ở 6 năm phải nằm ngủ dưới sàn. 
​Ảnh minh họa

Nhưng chọn mua chung cư thì chúng tôi phải đi vay tới gần 1 tỷ. Theo nhẩm tính của tôi, lương của hai vợ chồng hàng tháng là 17 triệu, khi có nhà thì các khoản chi tiêu chỉ hết chừng 5 triệu, còn để dư được 12 triệu, cộng thêm với các khoản thưởng ngày lễ tết thì mỗi năm có được 180 triệu tiền để dành.

Chúng tôi mượn được 630 triệu đồng từ bố mẹ và anh em hai bên nội ngoại. Do thu nhập thấp, lương chồng tôi lại trả không đều nên chúng tôi quyết định không vay ngân hàng mà nhờ bố mẹ chồng tôi vay giúp khoản tiền 350 triệu với mức lãi suất 10%/năm.

Vợ chồng tôi tính toán sẽ trả nợ khoản vay có lãi trước, còn khoản vay từ người thân gia đình thì trả dần vì không có lãi. Với khoản thu nhập hiện tại cộng với niềm hy vọng về sự tăng lương khi có thâm niên, vợ chồng tôi hoàn toàn tự tin về khả năng trả khoản nợ mua nhà tiền tỷ của mình.

Kế hoạch có vẻ xuôi xuôi, vợ chồng tôi quyết định ký hợp đồng mua căn hộ chung cư tiền tỷ như đã nêu trên. Sau một tháng kể từ ngày đặt cọc, chúng tôi được chuyển vào ở trong ngôi nhà mơ ước bấy lâu nay.

6 năm ngủ sàn nhà vì không có tiền sắm nội thất

Nghe ở căn hộ chung cư đúng là có vẻ oai thật, nhưng nơi ở của vợ chồng tôi không khá hơn căn nhà trọ là mấy, lại chẳng có một món đồ nội thất nào. Nhưng vợ chồng tôi vẫn rất vui vì đã có được nơi ở cho riêng mình.

Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui đó là một khoản nợ lớn nhất trong cuộc đời mà vợ chồng tôi phải gồng gánh, chắt bóp để trả.

Trong năm đầu tiên sau khi mua nhà, chúng tôi cố gắng sống tiết kiệm, chắt bóp từng đồng, không mua sắm, không hàng quán, chỉ đi chợ nấu cơm ăn ngày 3 bữa nên đã trả được tiền lãi cùng với 150 triệu tiền gốc. Lúc này khoản nợ lãi còn lại 200 triệu đồng. Khoản tiền nợ phải chịu lãi suất đã giảm xuống chỉ còn 40 triệu đồng sau năm thứ 2 nhờ chế độ chi tiêu chắt bóp của vợ chồng tôi.

Sắp trả xong khoản nợ 350 triệu, vợ chồng tôi hí hửng lập kế hoạch mua sắm nội thất cho ngôi nhà vì sau hai năm vào ở, căn hộ vẫn trống trơn như lúc ban đầu được bàn giao.

Song, mọi kế hoạch đều đổ bể vì tôi mang thai đôi, mọi chi phí rất tốn kém, cộng với người thân đòi tiền do có việc. Vậy là ngôi nhà vẫn trống trơn, không nội thất như ban đầu.

Khi sinh con, mọi khoản chi tiêu đều tăng vọt, khiến chúng tôi lạm cả vào khoản tiền dành riêng để trả nợ. Số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi giảm từ 12 triệu xuống còn 8 triệu đồng, thậm chí là 5 triệu do tôi nghỉ sinh.

Có thời gian vợ chồng tôi gần như rơi vào cơn khủng hoảng tài chính vì phải chăm con trong hoàn cảnh vô cùng túng thiếu với khoản nợ lớn. Thậm chí, tôi từng cảm thấy hối hận vì vội mua nhà khi kinh tế còn quá ít.

Áp lực kinh tế khiến vợ chồng tôi phải tìm thêm việc làm vào buổi tối để có thêm khoản thu. Sau nửa tháng trời lần mò, tôi cũng tìm được việc phù hợp với thời gian, không đòi hỏi kỹ năng hay phải sáng tạo, là đính phụ kiện hoa, hạt các loại vào quần áo thời trang theo mẫu. Giá của mỗi sản phẩm sau khi hoàn thành là 3.000-4.000 đồng, tùy độ khó của mỗi mẫu.

Nhận được sản phẩm về, tôi, chồng và mẹ chồng thay nhau trông các con để người còn lại khâu, đính hàng. Tôi thường xuyên làm đến 12h đêm mới nghỉ, thậm chí có hôm thức đến tận 2-3h sáng để khâu. Việc làm này cũng mang về cho gia đình nhỏ của chúng tôi thêm 6-8 triệu đồng mỗi tháng.

Sau khi sử dùng khoản tiền này để trả tiền bỉm sữa, quần áo cho các con, có tháng còn dư 1-2 triệu, tôi dồn vào khoản trả nợ, lâu dần cũng được kha khá. Thêm vào đó, chồng tôi được tăng lương lên thành 13 triệu, lương của tôi cũng tăng thêm 1 triệu nữa nên thu nhập của cả nhà cũng tốt hơn nhiều.

Mãi tới 6 năm sau ngày mua nhà, vợ chồng tôi mới trả hết được khoản tiền 1 tỷ đi vay. Lúc này nghĩ lại thấy khả năng chịu đựng, chắt bóp của chúng tôi ngày ấy thật đáng nể. Cả gia đình chỉ có một tấm đệm mỏng mấy trăm nghìn đồng dải xuống sàn ngủ trong suốt 6 năm, tủ đựng quần áo là chiếc tủ vải giống hệt ngày sinh viên vẫn dùng.

Bếp nấu chỉ đơn giản là chiếc bếp ga đặt tạm lên một chiếc bàn để đun nấu. Toàn bộ nội thất trong căn hộ giữa thủ đô chỉ mỗi căn phòng tắm là được sắm sửa đầy đủ chút, còn lại không có bàn ghế, không giường tủ, không internet.

Đa phần các cặp vợ chồng trẻ khi mua nhà đều phải vay mượn. Tuy nhiên, trải qua thời kỳ cực khổ với biết bao thiếu thốn tôi mới nghiệm ra rằng, chỉ nên mua nhà khi có trong tay số tiền nửa tỷ là tốt nhất. Mọi nhọc nhằn, mọi áp lực trả nợ đè lên vợ chồng tôi suốt hơn nửa thập niên qua cuối cùng cũng đã không còn. Giờ chúng tôi bắt đầu có khoản dư để bắt đầu sắm sửa đồ nội thất phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

(Vietnamnet.vn)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm