Mặc dù, chiếm diện tích nhỏ trong nhà nhưng khu vực vệ sinh hay gặp sự cố nhất. Đây là nơi được sử dụng với tần suất cao và tiếp xúc nhiều với nước trên sàn, trần và các thiết bị dễ bị hư hỏng. Một trong những sự cố gây ra hậu quả khó chịu là ngấm nước ở tường và xuống tầng dưới.
Dưới đây là một số sai sót phổ biến nhưng ít người để ý gây ra hiện tượng này:
1. Mạch sàn nhà bị bong tróc
Hãy kiểm tra thường xuyên mạch nối các viên gạch để nhà tắm không bị thấm nước
Các nhà vệ sinh qua quá trình sử dụng lâu, cọ rửa vệ sinh nhiều sẽ dễ bị hư hỏng phần mạch nối giữa các viên gạch. Nên nước sẽ bị thẩm thấu qua các kẽ này xuống phía dưới.
Vì vậy, khi khu vệ sinh có hiện tượng thấm nước, bạn hãy kiểm tra kỹ lưỡng mạch nối gạch. Nếu mạch quá cũ, bạn hãy dùng dao nhọn cạo sạch. Khi bạn mua xi măng trắng, bột trát về đi lại mạch. Bạn hãy để các vết nối khô trước khi sử dụng.
2. Gạch bị nứt vỡ, lỗ khoan không được chít keo kỹ
Nếu các vết nứt gạch không quá lớn, bạn có thể dùng xi măng, keo, bột trát để khắc phục
Gia chủ thường phải lắp nhiều thiết bị như vách kính, móc treo khăn, tủ kệ, bồn cầu, bồn rửa... trong nhà vệ sinh. Nếu việc thi công không chuẩn xác sẽ dẫn tới nứt gạch hoặc thợ cẩu thả không chít keo cẩn thận quanh các lỗ khoan sẽ làm nước ngấm vào tường, trần.
3. Mối nối của vòi nước, bồn rửa bị lỏng
Hãy xử lý đường nối của vòi nước, bồn rửa bằng việc vặn chặt đầu nối
Trong nhà vệ sinh có nhiều thiết bị được nối với ống cấp và thoát nước hoặc chạy xuyên qua trần, sàn nhà. Việc thi công hoặc sử dụng lâu, các mối nối bị lỏng lẻo hoặc mòn rỉ khiến nước rò và thấm xuống sàn, tường.
Một cách khắc phục đơn giản nhất là vặn chặt đầu nối đó, chít keo các chỗ lỏng hoặc thay mới đầu nối. Bạn lưu ý sau khi xử lý chống thấm xong, hãy đợi ít nhất một tuần rồi mới sử dụng nhà vệ sinh.
(Vnexpress)