Tư vấn - kiến trúc

Ủy quyền mua căn hộ khi đang ở nước ngoài

22/12/2014 - 02:56

   

Bạn tôi mua một căn hộ của tòa nhà CT07 nằm trong dự án đầu tư chung cư của công ty N tại Hà Nội (năm 2012 sẽ khánh thành), hình thức trả góp (đợt 1: 20% giá trị hợp đồng, các đợt sau 10% mỗi đợt) và đã trả được 30%. Hiện nay bạn tôi muốn bán và tôi muốn mua lại căn hộ đó. Bạn tôi nói thủ tục sang tên rất đơn giản, chỉ cần tôi cung cấp địa chỉ nguyên quán, tên, tuổi, số chứng minh nhân dân là có thể hoàn tất (không thấy nhắc đến việc tôi có mặt và ký vào các giấy tờ). Hiện tôi đang sống ở nước ngoài, chưa thể về ngay để nghiên cứu tất cả các giấy tờ liên quan, mặt khác tôi cũng không hiểu đầy đủ các thủ tục chuyển nhượng nhà đất.

Tôi thắc mắc tại sao việc này có thể thực hiện được mà không cần có chữ ký của tôi, dù tôi là người muốn mua lại căn hộ đó? Xin chuyên mục giúp tôi giải đáp thắc mắc. Xin cảm ơn.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu trả lời:

Bạn muốn mua lại căn hộ chung cư trên thì có rất nhiều vấn đề cần nhắc đến như vấn đề về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chuyển nhượng quyền mua nhà hình thành trong tương lai và cả việc ủy quyền do bạn không thể trực tiếp thực hiện các thủ tục.

Trước hết, do bạn đang định cư ở nước ngoài nên để sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện theo quy định tại điều 126 Luật nhà ở được sửa đổi quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1. Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam".

Như vậy, nếu đáp ứng được điều kiện vừa trích dẫn ở trên, bạn có thể mua lại căn hộ chung cư này, tuy nhiên bạn không thể tự mình thực hiện thủ tục chuyển nhượng thì có thể làm giấy ủy quyền (được hợp thức hóa lãnh sự) cho một người ở Việt Nam để đại diện bạn thực hiện việc chuyển nhượng.

Theo bạn trình bày thì hiện căn hộ chưa hình thành và bạn của bạn mới trả 30% số tiền mua nhà nên người đó sẽ không có quyền chuyển nhượng căn nhà cho bạn được, vì theo quy định tại điều 39, 91 và điều 92 Luật nhà ở thì nhà ở chỉ được bán khi có các điều kiện sau:

• Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật;

• Không có tranh chấp về quyền sở hữu;

• Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên bán nhà phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự; cá nhân có năng lực hành vi dân sự, nếu là tổ chức thì tổ chức bán nhà ở phải có chức năng kinh doanh nhà ở, trừ trường hợp tổ chức bán nhà ở không nhằm mục đích kinh doanh.

Do dự án chưa hoàn thành, người bạn đó chưa phải là chủ sở của căn hộ nên không được trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng cho bạn mà phải thông qua công ty N. Như vậy, bạn (hoặc người đại diện theo ủy quyền của bạn) phải cùng với người bạn của bạn và công ty N ký hợp đồng ba bên để chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của người mua căn hộ này cho bạn.

Sau khi dự án hoàn thành bạn mới được cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
(Đoàn Luật sư TP HCM)

 

(Nguồn sưu tầm)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm