Cổng Bắc thành Nhà Hồ
Xe dừng trên con đường vào cổng thành phía Bắc, chiếc barie chặn lại
cho thủ tục mua vé ghé thăm một phế tích và hôm đó chỉ có đoàn hơn 10
người của chúng tôi làm cuộc hành trình ngắm nhìn, chạm vào bức tường
thành 600 năm tồn tại ấy. Một phế tích dẫu chỉ còn cổng và tường thành,
nhưng sự bền vững lạ kỳ nằm ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cách Thanh
Hóa 50 cây số này chắc chắn sẽ còn bền vững ngàn năm. Dẫu trong lòng
thành không còn một dấu vết gì của một vương triều, có chăng là dăm dấu
tích sót lại giữa ruộng lúa và cỏ lau lao xao cùng gió. Trong gió thổi
rạp cỏ lau ấy, tôi có cảm giác như là tiếng hò reo để đưa những tảng đá
khổng lồ kia lên tạo thành bức tường đá công phu.
Trước khi đến Thành Nhà Hồ, chúng tôi gặp những ngọn núi với những
khối đá xanh cũng vuông vức chồng lên nhau trong tự nhiên, khiến cho ta
có suy nghĩ phải chăng ngày đó Hồ Quý Ly khi ngắm nhìn sự xếp đặt của
ngọn núi này đã nghĩ ra cách xây thành theo cách thiên nhiên tạo dựng?
Cổng Nam
Thành Nhà Hồ còn được gọi là thành Tây Ðô được xây dựng vào năm 1397
với các thành khác hình lục giác thì ở đây là hình vuông có bốn cửa
Đông, Tây, Nam, Bắc. Ở cửa Tây có những tảng đá to dài tới 5,1m, rộng
1,59m, cao 1,30m. Sự xếp đặt những phiến đá hoàn toàn có chủ ý thành
hình chữ Công và đặc biệt chỉ tự hít vào nhau mà bền vững.
Quan sát thì thành sau khi xây đá lên, đã lấp đất thoai thoải bên
trong thành giúp cho sự lên xuống từ bên trong rất dễ dàng. Sau khi xây
xong thành với đá vững chãi như không có gì có thể làm sụp đổ kia, có
hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m.
Tường thành cao trung bình từ 5-6m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10m.
Theo sử thì sau khi xây xong Thành, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông rời
đô về Thanh Hóa. Đến tháng 2 năm Canh Thìn (1400) sau khi lên ngôi vua
thay nhà Trần, Hồ Quý Ly đổi tên nước thành nước Đại Ngu (1400 - 1407).
Tường thành Nhà Hồ phía cổng Bắc
Chúng tôi bước qua cổng thành phía Bắc, nơi đây chỉ có mọt vòm cửa
khá kiên cố, nhận thấy sự vắng vẻ ở nơi này, vì cổng thành xưa là sự
nhộn nhịp của một vương triều, nay thì chỉ cho những chiếc xe của khách
tham quan đã mua vé đi qua, mà Thành Nhà Hồ có thể chỉ gây sự tò mò của
những người như tôi, còn mọi chuyến xe thì đều vòng qua đường lộ để mau
chóng đến nơi họ cần đến. Chúng tôi leo lên trên thành. Từ đây, nhìn
thấy xa tít tắp con đường thành thẳng, một sự bảo vệ vững chắc của tuyến
phòng thủ thời Nhà Hồ.
Trong quá trình đi dọc ngang đất nước, có thể nhìn thấy là hệ thống
phòng thủ của vua chúa xưa thường chủ yêu là tạo tra thành để bảo vệ uy
quyền bên trong, nhưng duy nhất Thành Nhà Hồ đã thoát khỏi cách xây dựng
cổ xưa là bằng gạch và đất mà hoàn toàn toàn bằng những tảng đá lớn
chồng lên nhau như Hồ Quý Ly có quyết tâm trường tồn thời đại mình với
nhiều cách cải tiến trong việc chú trọng đến chữ nôm, thay đổi thi cửa
và mở đầu cho việc dùng giấy bạc.
Đi qua thành, tới cổng Nam, là cổng chính của Thành Nhà Hồ, nơi đây
có tới ba cửa mở. Cửa giữa rộng 5,82m, cao 5,75m, hai cửa bên rộng 5m45,
cao 5,35m, mới thấy sự hùng vĩ của Thành Nhà Hồ. Các cổng thành đều
được xây dựng dạng hình vòm. Những phiến đá trên vòm hình múi bưởi, xếp
khít lên nhau rất khéo léo. Ra khỏi cổng thành là nhà lưu niệm, trưng
bày các tảng đá tròn, chính là phương tiện làm đòn bẩy để đưa những tảng
đá khổng lồ kia chồng lên nhau của 600 năm trước.
Có thể nhìn thấy đây là mảnh đất bao quanh là núi, Thành nằm giữa hai
dòng sôngMã và sông Bưởi, được bảo vệ bởi ba ngọn núi. Núi Thố Tượng
phía Bắc, núi Ngưu Ngọa ở phía Tây và núi Hắc Khuyên chắn hướng Đông. Sự
xây dựng thần tốc với khối lượng đá khổng lồ như thế, bằng sức người
chỉ trong vòng ba tháng là hoàn thành, để trơ gan cùng đất trời qua 6
thế kỷ là một kỳ công. Theo người dân kể lại thì đá xây thành được lấy
từ rất nhiều nơi, chuyên chở bằng đủ phương tiện trên bộ, dưới nước. Sự
vận chuyển thời xưa chủ yếu bằng sức người đã tạo nên một Thành Nhà Hồ.
Theo sử sách ghi lại thì trong thành có điện Hoàng Nguyên, cung Diên
Thọ, Đông cung... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì các cung điện ở
Thăng Long. Nhưng tất cả các điện ấy giờ đây chỉ còn trong ký ức. Giờ
đây, những chuyến xe qua giữa cỏ lau và ruộng lúa như mang theo chút
ngậm ngùi của bể dâu.