Ra
đời vào khoảng thế kỷ XVII, dưới triều đại phong kiến Việt Nam, nhà
rường là một loại kiến trúc cổ, độc đáo, đặc trưng cho đất Huế. Tuy
nhiên, do sự thay đổi của cuộc sống nên đến nay, ở Huế nhà rường không
còn nhiều. Mỗi ngôi nhà còn lại đều là một công trình kiến trúc độc đáo của thời xưa và được coi là di sản đặc trưng của Huế.
Nhà rường Huế được dựng trong không gian có vườn cây trái, hoặc có
hàng cau trước sân, có cổng lớn và có lối đi dẫn từ cổng vào nhà. Nhưng
để vào nhà, khách phải đi rẽ sang hai bên lối dẫn vào chứ không đi thẳng
trực tiếp vào.
Trước mỗi nhà rường đều có một bức bình phong. Bức bình phong được làm với mục đích cản
lại những cái xấu xa, không tốt... không cho xâm nhập vào nhà.
Nhà rường Huế xưa chỉ có một gian hai trái hoặc ba gian hai chái, với
diện tích nhỏ, thấp (do thường xuyên phải gánh chịu mưa bão). Nếu ngôi
nhà rường một gian hai chái ít khi quá 8 thước tây (8m) và một căn ba
gian hai chái cũng chỉ đến 15m.
Một nhà ba gian có 9 cửa ở mặt tiền và các cửa đều được làm hoàn toàn
bằng gỗ với cùng một kích thước. Gỗ dùng để dựng nhà được chọn lựa rất
kỹ, thường là gỗ mít rừng hoặc kiền, gõ.
Đặc biệt, nhà rường được kết cấu hoàn toàn bằng hệ thống chốt và mộng gỗ, để có thể lắp
ráp và tháo gỡ dễ dàng.
Mỗi đòn, kèo của nhà rường Huế đều được đục chạm rất công phu với nhiều hình hoa văn khác nhau
tùy theo ý thích của chủ nhân ngôi nhà.
Một căn nhà rường ba gian hai chái ở Huế trung bình có 56 cột với các gian chính được để thông,
hai chái hai bên thì được ngăn bởi vách.
Trong đó, gian giữa sẽ được dùng để thờ cúng tổ tiên. Hai gian bên
được dùng để tiếp khách và làm nơi ngủ của đàn ông, còn hai chái hai bên
là hai buồng gọi là đông phòng và tây phòng, là buồng ngủ dành cho phụ
nữ và con cái.
Trong mỗi ngôi nhà rường thì các các cánh cửa gỗ, bức vách hay cột,
kèo, các chi tiết đều được chạm, khảm rất công phu, tinh xảo. Theo ông
Lê Trọng Phú, chủ một căn nhà rường cổ ở Huế cho biết, một toán thợ mộc
phải tốn hơn hai năm để hoàn thành một ngôi nhà loại ba gian.