Trong cuộc thi Kiến trúc xanh Spec Go Green 2018, mô hình làng nổi chi phí thấp và chịu được lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Maru Ichi) đã xuất sắc đạt giải nhì hạng mục kiến trúc.
Phối cảnh tổng thể dự án
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ gặp thiên tai nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Nhóm MARU, gồm 3 kiến trúc sư Hồ Văn Anh Tuấn, Tô Diệu Liên, Nguyễn Phương Anh tại phường An Phú, thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang đã lập nên đồ án Maru Ichi. Đây là mô hình cộng đồng nhà ở bền vững cho những người có thu nhập thấp ở vùng dễ bị ngập lụt. Đồ án dự kiến sẽ được thí điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các ngôi nhà có khả năng kết nối với nhau
Những ngôi nhà trong dự án Maru Ichi ngoài khả năng chống chọi với lũ lụt còn có thể kết hợp với những ngôi nhà khác. Với hành lang mở, các khối này tạo nên một cộng đồng bền vững. Tại đây, người dân có thể trao đổi hàng hóa, chia sẻ cuộc sống với mọi người trong cộng đồng.
Để phù hợp với người thu nhập thấp, nhóm thiết kế chọn dùng vật liệu giá rẻ và có sẵn tại địa phương như vỏ cây, lá cọ. Mỗi ngôi nhà sẽ có bảng điều khiển năng lượng mặt trời cùng hệ thống lọc nước.
Maru Ichi không chỉ cung cấp một không gian sống an toàn, chi phí thấp mà còn là một giải pháp cho tình trạng ô nhiễm - một vấn đề lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Maru Ichi cũng tạo ra cơ hội lớn cho du lịch xanh và bền vững, giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Mặt bằng của đồ án
Nhà thuyền có cấu trúc khung gỗ với phần đáy là thùng và ống nhựa
Ngoài cấu trúc đặc biệt, dự án có 4 đặc điểm chính là: an toàn cho dân cư, bảo tồn văn hóa người dân địa phương, cơ hội kinh tế dựa trên tiềm năng du lịch và bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước sinh hoạt, xử lý nước thải.
(Báo Xây dựng Online)