Không gian đẹp

Đón gió và ánh sáng như thế nào đối với nhà chật trong hẻm?

08/09/2014 - 04:17

Trong điều kiện đất đai ngày càng chật hẹp như hiện nay thì những căn nhà nằm trong hẻm chỉ có một mặt thoáng rất phổ biến. Khi đó, việc thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho ngôi nhà rất khó khăn, thậm chí đối với nhiều nơi là không thể.

Trong trường hợp như trên thì cần làm gì để có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên và thông gió một cách tối đa cho nhà của mình? Dưới đây là một số ý tưởng khắc phục:

Bố trí cửa hợp lý

Thường xuyên mở cửa
Thường xuyên mở cửa sổ và cửa ra vào

Có 2 cách thông gió: thông gió tự nhiên và thông gió cưỡng bức. Ngoài việc can thiệp bằng những thiết bị thông gió, cách nhanh nhất và đơn giản nhất, đó là thường xuyên mở cửa sổ và cửa ra vào. Để làm được điều này, khi thiết kế nhà, bạn nên bố trí cửa vào, cửa ra hợp lý. Tránh bố trí cửa gió vào, và gió ra cùng 1 phía, gió sẽ quẩn, không lưu thông được. Với nhà phố chật, khi phía trước và phía sau đều sát nhà, bạn có thể mở cửa thoát gió ở đằng sau, bằng cách chừa một khoảng diện tích nhỏ (khoảng 60cm) làm sân sau nhà.

Ngoài ra, cửa hút gió vào nhà cần được đặt ở vị trí đầu gió và tại phía chân tường. Trong khi đó, cửa để gió thoát ra ngoài cần được đặt ở vị trí cuối hướng gió và ở điểm cao hơn trong phòng. Bạn cũng nên tránh thiết kế phòng chỉ mở cửa ở một phía. Ngoài cách mở cửa đằng sau, giếng trời là một biện pháp thông gió phù hợp nhất với nhà phố. Giếng trời không chỉ được tận dụng làm tiểu cảnh, mang không gian xanh vào nhà, mà còn giúp lưu thông gió hiệu quả. Gió sẽ vào từ cửa, và ra từ cửa sổ trên mái của giếng trời.

Hướng nhà và hình thức bên ngoài

Chọn hướng cho ngôi nhà phải phù hợp
Hướng của ngôi nhà phải phù hợp

Hướng của ngôi nhà phải hỗ trợ cho việc thông gió tự nhiên càng nhiều càng tốt. Trong trường hợp mâu thuẫn khi chọn hướng tránh nắng và hướng đón gió chủ đạo, hướng ngôi nhà có thể điều chỉnh lại trong khoảng 0 – 30 độ mà không làm mất hiệu quả làm mát từ thông gió. Hướng nhà nên chọn sao cho diện tích bề mặt tiếp xúc với bức xạ trực tiếp từ mặt trời càng nhỏ càng tốt. Đối với nhà phố thì các mặt nhà thường từ 4 – 6m trong khi các cạnh dài được che chắn bởi các toà nhà kế cận. Với nhà biệt thự thì cây xanh là nhân tố chủ đạo thay thế để chắn nắng cho các mặt nhà hướng Đông – Tây.

Trong trường hợp không thể che chắn bề mặt tường hướng Đông và Tây theo cách này, các không gian thứ cấp như cầu thang, nhà kho, nhà tắm nên được bố trí ở đây. Ngoài ra, các bức tường này tuỳ trường hợp có thể cấu trúc thành hai lớp có khoảng trống ở giữa để thông gió, hạn chế mở cửa đi và cửa sổ để tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.

Đối với tường ngoại thất nên sử dụng kết cấu nhẹ nhằm làm tăng khả năng giải nhiệt khi mặt trời tắt nắng.Trên mái, nguyên tắc thiết kế được áp dụng như sau: các tấm năng lượng mặt trời hoặc các vật liệu dạng tấm phản xạ hai lớp nên được sử dụng nhằm chắn nắng chủ động.

Nội thất

nội thất sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên
Chọn nội thất sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên

Đối với nội thất, bạn nên sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên có thể “thở” được nhằm hỗ trợ cho sự thẩm thấu và bay hơi nước như sỏi, đá hoa cương, gỗ, gạch ốp lát dạng đất nung. Tránh dùng quá nhiều kính, đặc biệt là tại các nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Màu sắc cho công trình cần dùng tone màu nhạt bên ngoài nhà để giảm hấp thu nhiệt và nhanh giải nhiệt, và nên chọn màu mát mẻ gần gũi với thiên nhiên như màu bã trầu, vàng đất, xanh rêu cho không gian nội thất bên trong. Với những không gian có nắng gắt chiếu vào thì có thể bớt màu ấm mà thêm màu lạnh như xanh ngọc, kem cốm, trắng xanh để tăng tính thư giãn. Bạn cũng có thể thêm các hoạ tiết cây cỏ xinh xắn trên các mảng tường tạo ra hiệu quả về tâm lý và nhờ đó làm mát không gian một cách gián tiếp.

Nếu cần sử dụng điều hoà không khí, các phòng nên được bố trí sao cho ngôi nhà chia thành các khu vực độc lập có thể sử dụng điều hoà không khí một cách riêng biệt. Mỗi khu vực có thể được làm mát tới một nhiệt độ theo ý người sử dụng. Tuy nhiên, giải pháp thông gió tự nhiên nên được ưu tiên nhằm tiết kiệm năng lượng và tiền bạc.

Đối với các nhà phố có diện tích nhỏ không thể bố trí giếng trời hoặc hồ nước, giải pháp là sử dụng mặt nước theo chiều đứng bằng các mảng tường trang trí có vòi phun và rãnh thu nước nhỏ bên dưới. Mảng tường này cũng có thể bằng kính kết hợp với nước sẽ khiến cho không gian nội thất nhà bạn trông hiện đại và lạ mắt. Nếu không gian nhỏ hẹp, hơn nữa không thể dùng biện pháp này thì các bạn có thể chọn lựa các đĩa hoặc chậu bẹt bằng tre hay đất nung có miệng rộng để đựng nước và thả vài bông hoa vào đó, bạn sẽ có một không gian dịu mát với hương hoa.

Cây xanh

Trồng một chậu cây xanh nhỏ cũng làm mát cho không gian nhà bạn
Một chậu cây xanh nhỏ cũng làm mát cho không gian nhà bạn

Với nhà phố diện tích nhỏ hẹp thì không gian dành cho cây xanh được xem như xa xỉ. Tuy nhiên, một chậu cây nhỏ trong các không gian sinh hoạt chính sẽ tăng lượng hơi nước trong phòng và nhờ thế sẽ làm mát không gian nhà bạn.

Nếu diện tích nhà bạn lớn hơn thì tường cây là một giải pháp rất hữu hiệu, vừa tăng diện tích cây xanh, tiết kiệm không gian, vừa lạ mắt và không khó chăm sóc. Lưu ý rằng bạn nên nhờ các chuyên gia cây cảnh tư vấn các loại cây không cần quá nhiều nắng để đảm bảo cây sống tốt trong nhà.

Một không gian lý tưởng khác để tăng diện tích cây xanh là mái – hãy biến mái nhà bạn thành vườn rau sạch, bạn sẽ có một “máy điều hoà nhiệt độ” hữu hiệu giảm nhiệt cho ngôi nhà và có thực phẩm có lợi cho sức khoẻ.

(CafeLand)

Chia sẻ

Tin mới nhất

Tin cũ hơn

Chủ đề được quan tâm