Tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang khoảng 10 km về phía Nam, thành cổ Diên Khánh có quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ 17 - 18 ở Tây Âu..
Thành cổ Diên Khánh
Theo sử sách ghi lại, với địa hình chiến lược quan trọng, nằm dựa vào dãy Trường Sơn và hai nhánh núi hình cánh cung vòng ra sát biển như một vành đai phòng ngự vững chãi, hơn ba thế kỷ trước, Diên Khánh được chúa Nguyễn Phúc Tần rồi sau đó là vua Tây Sơn Nguyễn Huệ chọn làm thủ phủ của Dinh Bình Khang (tên cũ của tỉnh Khánh hòa).
Năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nhân đó, Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và nguyễn Văn Trương đem quân đánh chiếm Diên Khánh. Nhận thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng, Nguyễn Ánh quyết định xây dựng Diên Khánh thành một vành đai phòng ngự kiên cố. Thành Diên Khánh ra đời từ đó.
Với diện tích khoảng 36.000m2, thành Diên Khánh là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban. Cổng thành là một công trình kiến trúc khối vuông vững chãi, xây bằng gạch nung cỡ 4,5cm x 1,38cm gồm 2 tầng: tầng dưới gắn liền với tường thành, mặt ngoài rộng 16,8m, cao 4,5m, xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao khoảng 2m, cách mặt ngoài 2,5m để lèn đất vào giữa.
Cổng vào ra thành rộng 3,2m, xây gạch kiểu vòm cuốn hình quả chuông, đỉnh cao nhất khoảng 3,5m, cánh cổng bằng gỗ lim dày. Mặt tường trong xây cấp bậc bằng gạch, rộng hơn 2m làm lối đi lên tầng trên. Tầng trên cao ngang mặt thành, hình tứ giác mỗi chiều 1,5m, cao gần 2m, xây cổ lầu mái uốn cong, lợp ngói âm dương.
Lối lên thành cổ
Các góc thành được đắp nhô ra ngoài, có khả năng quan sát được hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm nơi trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác gọi là pháo đài góc, trên thành được trồng nhiều tre hoặc cây có gai. Bên ngoài thành có đào hào sâu từ 3 - 5m, rộng hẹp không đều nhau, tùy theo địa hình. Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3 - 4m, có đoạn sâu tới 5m. Bề rộng mặt hào cũng không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn (chừng 15m) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng 40m. Bên ngoài hào nước đắp một đường đi - đường ngoài hào để tuần tra, vận chuyển, người dân gọi là đường quan phòng. Lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào và có nhiều chướng ngại vật để ngăn kẻ địch bất ngờ đột nhập.
Khi xây dựng xong (năm 1793) thành Diên Khánh có 6 cửa (cổng), 6 cạnh tường thành. Hiện nay Thành chỉ còn lại 4 cửa: Đông, Tây, Nam (cửa Tiền), Bắc (cửa Hậu). Năm 1823, cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp, nay không còn dấu vết gì. Tuy vậy ta có thể dự đoán hai cổng này cũng nằm trên hai cạnh tường thành Tây Nam và Đông.
Tường thành
Theo các tư liệu cũ còn lưu lại, bên trong thành Diên Khánh có nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam) dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần là một cột cờ lớn. Sau cột cờ là hoàng cung - công trình có quy mô lớn nhất so với các công trình khác trong thành.
Hoàng cung được xây theo kiểu Điện Thái Hòa ở Huế, gồm ba gian rộng chừng 40m, xung quanh có hành lang rộng rãi, thoáng mát. Cột kèo được chạm trổ tinh tế, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Phần trên có cổ lầu, các mái và mái đao uốn cong thanh thoát. Trên nóc gắn hai con rồng chầu hai bên một quả cầu lớn.
Cổng thành phía Nam
Trước hoàng cung là một sân gạch lớn - gọi là sân chầu - nơi các quan văn võ trong tỉnh đứng chầu khi có lễ lớn. Vị trí đứng của mỗi người được qui định trong bảng gỗ, đặt thành hai hàng hai bên, theo thứ tự từ cửu phẩm lên nhất phẩm. Giữa hoàng cung đặt một bệ gỗ lớn 3 tầng, mỗi tầng cao khoảng 0,2 m. Trên cùng đặt một ngai vàng, nơi vua ngự. Bên trái hoàng cung là dinh Tuần vũ, sau đó là dinh Án sát, và sau nữa là dinh Lãnh binh. Phía dưới là dinh quan Tham tri.
Ngoài các dinh thự của các quan cai trị, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ chiếm hàng ngàn mét vuông và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố. Tất cả các mái nhà đều lợp ngói âm dương.
Đã trải bao biến cố lịch sử và biến động thiên nhiên, vùng đất Diên Khánh, thành Diên Khánh không còn dáng vẻ như trước. Tuy vậy, 4 cổng thành hầu như còn nguyên vẹn. Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã cho quét vôi, sửa sang, trùng tu lại các cổng thành. Theo đánh giá của các nhà sử học, so với những thành quách xây dựng cùng thời, trừ thành Huế, thành Diên Khánh vẫn giữ được hình dáng và giá trị lịch sử từ hơn 200 năm qua.
Theo Hải quan
(Nguồn sưu tầm)