Trong thiết kế nội thất hiện nay, xu hướng không phân chia các không gian quá rạch ròi mà chủ động gộp chúng lại với nhau để tạo thành một không gian tiện ích ngày càng trở nên phổ biến. Dưới đây là những cách tích hợp phòng bếp vào phòng khách một cách thông minh, sáng tạo, đáng để bạn tham khảo.
Hệ thống thông thoáng
Thiết kế kết hợp phòng khách và phòng bếp trong cùng một không gian, bạn cần lưu ý đến hệ thống chiếu sáng và nhất là hệ thống khử mùi để tạo nên một không gian thông thoáng, sạch đẹp. Hệ thống thoát nước của bồn rửa và máy hút khói khử mùi của bếp phải được bố trí khoa học, sao cho các thiết bị này hoạt động hiệu quả nhất. Đồng thời, trổ cửa sổ hợp lý để mùi dầu mỡ,thức ăn không lẩn quẩn trong phòng, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cả gia đình.
Hệ thống chiếu sáng và khử mùi là lưu ý đầu tiên khi kết hợp phòng khách với khu
bếp trong cùng một không gian.
Màu sơn tường phân chia không gian
Tuy vẫn nằm trong một tổng thể không gian rộng lớn nhưng phòng bếp và phòng khách sẽ được nhận diện bằng màu sơn tường. Nhưng bạn cần lưu ý, dù màu sơn có sự khác biệt nhưng cũng phải tạo được sự hài hòa, bổ sung cho nhau trong một khối thống nhất. Nếu các màu sơn quá đối chọi nhau, vô tình chúng sẽ cắt nhỏ không gian một cách rời rạc. Trường hợp bạn không thích chọn màu sơn nước trong nhà khác nhau, có thể chọn một màu sơn rồi tạo sự khác biệt bằng các họa tiết, phụ kiện trang trí cho từng khu vực.
Sử dụng màu sơn tường khác nhau để phân tách phòng khách với khu bếp.
Nội thất đồng bộ
Không gian nhà bạn sẽ không bị vụn vặt nếu nội thất được đầu tư đồng bộ. Nếu phòng khách sử dụng bộ sofa mang kiểu dáng sang trọng, chất liệu kính hiện đại thì tuyệt nhiên chúng không phù hợp với chiếc tủ bếp hay bộ bàn ăn bằng gỗ sồi truyền thống. Nên sử dụng một chất liệu duy nhất cho nội thất của cả phòng bếp lẫn phòng khách nhằm tạo sự liền mạch, hài hòa.
Hoặc trong một không gian liên thông với nhau nhưng nếu phòng khách sử dụng gạch men cao cấp, phòng bếp lại qua loa với gạch bông truyền thống cũng không phải là giải pháp hay.
Nội thất đồng bộ sẽ tạo sự liền mạch cho không gian nhà, nhất là khi tích hợp phòng
khách với phòng bếp.
Đèn chiếu sáng cho từng khu vực
Để xác định không gian và phân tách chức năng, bạn nên sử dụng một hệ thống chiếu sáng riêng cho mỗi khu vực. Ở khu vực sinh hoạt chung như phòng khách, có thể dùng đèn chùm to, kiểu dáng cầu kỳ. Trong khi đó, với khu vực ăn uống, chỉ cần những ngọn đèn nhỏ, tập trung ánh sáng vào bàn ăn. Còn những bóng đèn mắt trâu đơn giản, bố trí trên bếp nấu và dưới tủ bếp đủ lý tưởng cho vị trí nấu nướng nhà bạn.
Sử dụng một hệ thống chiếu sáng riêng cho mỗi khu vực giúp phân tách chức năng
của không gian nhà ở.
Phụ kiện trang trí
Kinh nghiệm cho thấy, những phụ kiện trang trí như bức phù điêu, bình hoa, tranh ảnh… không chỉ đơn thuần trang trí mà còn có chức năng gắn kết các khu vực chức năng. Chẳng hạn như, một chậu hoa gốm ở phòng khách sẽ rất ăn ý với những giò hoa treo bằng gốm trên quầy bar tủ bếp.
Ngoài việc trang trí, các phụ kiện trang trí còn giúp gắn kết các khu vực chức năng
trong nhà.
(Tạp chí Xây dựng)